Acid folic được đặt tên từ tiếng Latinh là folium, nghĩa là lá, vì sinh tố này có nhiều trong rau cải. Thông thường, ít khi thiếu acid folic với thói quen ăn nhiều rau xanh, nhất là khi acid folic có nhiều trong giá sống, rau dền.
Acid folic không chỉ tốt cho thai phụ
Trước đây vài thập niên, acid folic thường chỉ được chú trọng như loại sinh tố cần thiết cho sức khỏe của thai phụ và tiến trình phát triển bình thường của trẻ sơ sinh. Sau đó, nhờ tiến bộ của ngành sinh hóa người ta ghi nhận thêm vai trò của acid folic trong tiến trình sản xuất hồng huyết cầu và khả năng thụ thai. Acid folic vì thế thường có mặt trên toa thuốc bổ cho người hiếm muộn, sản phụ, người đang cho con bú, bệnh nhân thiếu máu, trẻ con chậm lớn cũng như cho người nghiện rượu vì rượu ức chế tiến trình hấp thu acid folic từ thực phẩm.
Nam giới cũng cần acid folic
Acid folic được đặt tên từ tiếng Latinh là folium, nghĩa là lá, vì sinh tố này có nhiều trong rau cải. Thông thường, ít khi thiếu acid folic với thói quen ăn nhiều rau xanh, nhất là khi acid folic có nhiều trong giá sống, rau dền. Nhưng trên thực tế, bệnh do thiếu sinh tố này vẫn xảy ra khi số cung không theo kịp số cầu (trong trường hợp nhu cầu của cơ thể tăng lên, ví dụ gấp hai, gấp ba ở người mang thai).
Rau cải chứa nhiều acid folic.
Điều đáng lưu ý theo kết quả nghiên cứu trong thời gian gần đây, hàm lượng acid folic rất thấp trên người có cuộc sống quá căng thẳng vì stress, không phân biệt nam nữ. Đáng lo hơn nữa là người thiếu acid folic thường có lượng homocystein, chất dẫn đường cho tình trạng xơ vữa mạch vành lại quá cao. Từ nhận xét đó, thầy thuốc coi trọng quan điểm sinh học đã áp dụng acid folic trong phác đồ điều trị dự phòng cho người có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, với kết quả rất khả quan. Acid folic rõ ràng không còn là sinh tố dành riêng cho phụ nữ, trẻ nhỏ mà của mọi giới.
Thiếu acid folic vì dùng… thuốc!
Nhiều người tuy ăn uống đúng cách nhưng vẫn thiếu acid folic. Cũng như các sinh tố khác, nguồn dự trữ acid folic bao giờ cũng tùy thuộc vào nếp sinh hoạt của mỗi đối tượng cá biệt. Cho dù không thiếu ăn nhưng cơ thể vẫn có thể thiếu acid folic nếu kho dự trữ bất ngờ thiếu hụt, như trường hợp của người phải dùng một số thuốc nào đó thường xuyên.
Lý do rất dễ hiểu, acid folic là chất xúc tác cho phản ứng biến dưỡng của nhiều loại dược phẩm. Nói cách khác, thuốc không thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu không có acid folic nằm sẵn trong cơ thể. Ngược lại, càng uống nhiều thuốc, uống thuốc càng lâu, càng dễ thâm hụt nguồn dự trữ acid folic.
Đó là chưa kể nhiều dược phẩm sở dĩ dẫn đến phản ứng phụ là do thiếu acid folic khiến phản ứng biến dưỡng thuốc không hoàn chỉnh như dự kiến của thầy thuốc. Khi dùng các loại thuốc sau có thể làm thiếu hụt nguồn acid folic của cơ thể như ngừa thai, kháng sinh, hạ cholesterol, giảm đau, chống co thắt, kháng lao, hạ huyết áp, an thần, trợ tim, nhuận gan. Vì vậy, khi dùng các loại thuốc trên người bệnh nên bổ sung acid folic.
Theo – Sức Khỏe Đời Sống